Cô và trò trường THCS Thuần Hưng dành giải cao trong cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh dàn cho học sinh THCS năm học 2020-2021
Cô và trò trường THCS Thuần Hưng dành giải cao trong cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh dàn cho học sinh THCS năm học 2020-2021
Bài thuyết trình của học sinh tham gia cuộc thi:
Em lớn lên trong một gia đình thuần nông, từ bé em đã được sớm tiếp cận với việc đồng áng, vườn tược, chăm bón, cắt tỉa cho cây trồng. Một ngày nọ, khi xem chương trình thời sự của đài truyền hình Việt Nam, em có biết được phong trào nông nghiệp sạch đang được phát động trên toàn quốc, người người nhà nhà cần có ý thức cũng như phát huy những ý tưởng nuôi trồng tạo ra nguồn nông sản chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho con người. Từ đây, em bắt đầu xem xét lại mô hình, cách làm việc của gia đình mình đã được thấy và làm trước đó cũng như hỏi thông tin từ những người xung quan. Kết quả thật đáng báo động, phần lớn mọi người đều sử dụng thuốc hóa học diệt trừ sâu bênh, côn trùng. Nguyên nhân được mọi người đưa ra là do nhanh, rẻ và có thể làm trong phạm vi rộng. Ưu điểm là vậy nhưng ẩn sau đó là những hệ lụy vô cùng to lớn với sản phẩm, môi trường và đặc biệt là con người. Phần thuốc bảo vệ thực vật dự đọng sẽ tồn tại trong không khí, đất đai, nguồn nước ảnh hưởng to lớn tới môi trường sống, không chỉ vậy nếu như quản lý liều lượng và thời gian thu hoạch không tốt sẽ khiến sản phẩm đưa ra thị trường vẫn tồn đọng thuốc dẫn đến nhiều căn bệnh đối với người sử dụng.
Nhận thấy những yếu tố cấp bách đó, chúng em đã bắt tay vào tìm giải pháp. Nhóm đã bàn bạc và đưa ra ý tưởng thiết kế một bẫy côn trùng sử dụng nguồn năng lượng xanh và phương pháp bắt dựa trên đặt tính thu hút của côn trùng. Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu nhóm đã đi tới quyết định sử dụng bẫy côn trùng bằng ánh sáng và mùi hương, năng lượng được sử dụng cho thiết bị ở đây là một nguồn năng lượng vô tận và sạch đó là năng lượng mặt trời. Bằng sự đam mê và sự làm việc miệt mài, nhóm đã chính thức chế tạo thành công “ Thiết bị bẫy côn trùng cho nông nghiệp xanh”.
Đây là sản phẩm của chúng em. Thiết bị bao gồm 4 bộ phận chính: Phần 1 là hộp chứa côn trùng và dung dịch thu hút côn trùng; phần 2 là cơ cấu chấp hành bao gồm quạt hút và đèn; phần 3 là bộ điều khiển; cuối cùng là phần pin năng lượng mặt trời.
Nguyên lý hoạt động cơ bản của thiết bị như sau:
- Thiết bị sẽ hoạt động theo 2 chế độ:
o Chế độ ban ngày: Thông qua cảm biến ánh sáng, thiết bị sẽ nhận diện được ngày và đêm. Ở chế độ ban ngày, sử dụng một chút mùi hương nhỏ vào phần nắp hộp, thiết bị sẽ cho phép quạt hoạt động, phần quạt có 2 nhiệm vụ: ở phần trên quạt sẽ hút côn trùng đang bay quanh đó xuống hộp, ở phần dưới quạt sẽ thổi vào hộp và làm khuếch tán mùi hương thông qua các lỗ thông khí được bố trí quanh hộp. Ở chế độ này ta có thể điều khiển được tốc độ động cơ thông qua biến trở.
o Chế độ ban đêm: Cảm biến ánh sáng cũng tự nhận diện và chuyển hoạt động thiết bị sang chế độ ban đêm. Ở chế độ này thiết bị cho phép bật thêm chức năng bẫy bằng ánh sáng cùng với chức năng mùi hương trước đó. Nhóm đã nghiên cứu về đặc tính thu hút côn trùng thì phát hiện ánh sáng màu xanh dương là ánh sáng tốt nhất. Với chế độ ban đêm, người sử dụng sẽ có thể điều khiển được tốc độ động cơ cũng như điều khiển được cường độ sáng của đèn.
- Để cung cấp năng lượng cho toàn thiết bị, nhóm đã sử dụng phương pháp tích điện áp vào pin. Hệ thống pin sẽ được nạp vào ban ngày bằng tấm pin năng lượng mặt trời. Vào ban đêm khi không còn ánh sáng, thiết bị sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng từ pin. Việc này sẽ giúp thiết bị gọn nhẹ, an toàn và không tiêu tốn chi phí điện.
Với thiết bị này nhóm đang có hướng phát triển về việc nâng cấp về kích thước cũng như tính năng, nghiên cứu sâu hơn về các loại mùi hương ứng với từng loại côn trùng. Thiết bị hứa hẹn sẽ là một công cụ hữu ích cho nông dân cũng như các nông trại kích thước vừa và nhỏ góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh trên toàn đất nước Việt Nam.
Trên đây là phần giới thiệu về “ Thiết bị bẫy côn trùng cho nông nghiệp xanh” của nhóm. Rất mong quý giám khảo có thể đưa ra những nhận xét, góp ý và câu hỏi để nhóm có thể hoàn thiện sản phẩm hơn. Cảm ơn quý giám khảo và mọi người đã lắng nghe!